Khâu eo tử cung cần kiêng gì?

Người viết: Đinh Thị Quỳnh Huế Tham vấn: Nguyễn Thị Luyện Ngày đăng: 17.04.2021 - 5577 lượt xem

Khâu eo tử cung là thủ thuật cần thiết với những người mang thai bị hở eo tử cung giúp củng cố độ chắc bền cho cổ tử cung, phòng ngừa sảy thai trong 3 tháng giữa của thai kỳ. Để tìm hiểu thêm về phương pháp này đồng thời biết khâu eo tử cung cần kiêng gì, bạn đọc hãy cùng chúng tôi xem ngay bài viết sau.

Mục lục
  • 1. Khâu eo tử cung là gì?
  • 2. Khâu eo tử cung cần kiêng gì?
  • 3. Khâu eo tử cung có gây hại cho thai nhi không?
  • 4. Các phương pháp khâu eo tử cung hiện nay

Khâu eo tử cung là gì?

Khâu eo cổ tử cung là gì?
Khâu eo cổ tử cung là gì?

Eo tử cung là phần giữa cổ tử cung và thân tử cung. Khi không mang thai, đoạn này chỉ khoảng 0,5 cm còn khi mang thai thì sẽ giãn dài ra, có thể lên đến 10 cm. Bình thường eo tử cung và cổ tử cung sẽ đóng kín trong suốt thời gian mang thai và chỉ mở khi chuyển dạ để thai nhi cùng các phần phụ của thai ra ngoài. Nhưng nếu nữ giới bị hở eo tử cung thì thăm khám sẽ thấy cổ tử cung bị mở trước và trong khi mang thai. Đến khi thai 16 tuần trở đi với áp lực buồng ối tăng lên sẽ đè vào cổ tử cung làm cổ tử cung mở dần dẫn đến vỡ ối, hậu quả là sảy thai hoặc sinh non.

Để khắc phục tình trạng này thì chỉ có một giải pháp duy nhất là khâu eo tử cung. Khâu eo tử cung là thủ thuật dùng chỉ khâu y khoa để khâu chặt eo tử cung nhằm củng cố độ bền chắc cho cổ tử cung, phòng ngừa cổ tử cung mở dãn quá sớm, tránh sảy thai hoặc sinh non cho mẹ bầu.

Khâu eo tử cung được áp dụng cho những mẹ bầu bị hở eo tử cung với 3 tình huống:

  • Đã từng sảy thai hoặc sinh non ở 3 tháng giữa của thai kỳ mà không có hoặc chỉ có ít dấu hiệu báo trước (như đau bụng, chảy máu, thay đổi dịch âm đạo…). Tình trạng này xảy ra trong 2 thai kỳ liên tiếp.
  • Có tiền sử sảy thai ở 3 tháng giữa.
  • Phát hiện các triệu chứng hở eo tử cung khi khám thai ở 3 tháng giữa như cổ tử cung dãn mở rộng ra, hình thành đầu túi ối…

Tuy nhiên, nếu mẹ bầu có cơn co thắt tử cung/ cơn gò tử cung, chảy máu từ tử cung hay bị nhiễm trùng ối, viêm màng ối, ối đã vỡ, cổ tử cung mở trên 4cm, viêm đường sinh dục thì sẽ không được thực hiện khâu eo tử cung kể cả được chẩn đoán hở eo tử cung.

Ngoài ra, khâu eo tử cung không hữu ích cho việc kéo dài thai kỳ trong trường hợp mang thai nhiều lần và không có tiền sử hở eo tử cung trong những lần mang thai trước hoặc mẹ bầu có chiều dài cổ tử cung ngắn trên siêu âm trong thai kỳ hiện tại nhưng chưa từng sinh non trước đây. Riêng với trường hợp có cổ tử cung ngắn và chưa từng sinh non thì sẽ được cân nhắc điều trị bằng progesterone âm đạo thay vì khâu eo tử cung.

Khâu eo tử cung cần kiêng gì?

Khâu eo cổ tử cung cần kiêng gì?
Khâu eo cổ tử cung cần kiêng gì?

Sau khi khâu eo tử cung, mẹ bầu sẽ có cảm giác co rút khó chịu và tiểu đau trong vài ngày. Do đó mà thường được chỉ định uống một số loại thuốc giảm co bóp tử cung kèm thuốc kháng sinh chống nhiễm khuẩn. Khi được kê đơn, mẹ bầu cần tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ đồng thời nghỉ ngơi tại bệnh viện từ 12 – 48h để theo dõi sức khỏe, cơn gò, tình trạng đau bụng, ra máu và ra nước tại âm đạo. Nếu sức khỏe ổn định không có biểu hiện vỡ ối hay ra máu/ ra nước tại âm đạo thì mẹ có thể trở về nhà.

Sau khi được xuất viện thì mẹ vẫn cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ đồng thời dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, hạn chế vận động, đi lại và không làm việc nặng ít nhất 1 tuần. Trường hợp có tiền sử sảy thai nhiều lần do hở eo tử cung cần nghỉ ngơi lâu hơn.

Ngoài ra, mẹ bầu nên:

  • Vệ sinh vùng kín sạch sẽ mỗi ngày. Khi vệ sinh tránh thụt rửa sâu, chà xát mạnh, ngâm rửa vùng kín hay lạm dụng xà phòng, sữa tắm.
  • Lựa chọn quần lót rộng rãi với chất liệu thấm hút tốt để mặc, không mặc quần lót ẩm ướt. Sau khi thay quần lót cần giặt sạch và phơi khô dưới ánh nắng mặt trời.
  • Kiêng quan hệ tình dục.
  • Tránh đứng lâu.
  • Bổ sung cá hồi, quả hạch, đu đủ chín, cam, quýt, bưởi, dưa hấu và các thực phẩm giàu protein như thịt lợn, thịt gà, thịt bò, trứng, sữa, các loại đậu…
  • Chú ý tái khám theo lịch hẹn với bác sĩ hoặc ngay khi có dấu hiệu đau bụng và ra máu âm đạo.
  • Định kỳ siêu âm đo chiều dài cổ tử cung và dùng thêm Progesterone liên tục đến khi thai kỳ được 36 tuần.

Đặc biệt, khi gần đến ngày sinh (thai lớn hơn 38 tuần), mẹ cần đi cắt chỉ khâu trước khi chuyển dạ để tránh trường hợp vỡ cổ tử cung do chuyển dạ.

Khâu eo tử cung có gây hại cho thai nhi không?

Khâu eo tử cung là một kỹ thuật xâm lấn đồng thời trước khi thực hiện mẹ bầu buộc phải dùng thuốc gây tê hoặc gây mê. Sau đó còn dùng thuốc kháng sinh dự phòng và thuốc giảm co nên ít nhiều sẽ ảnh hưởng tới thai nhi. Bên cạnh đó, mẹ còn có thể gặp phải một số biến chứng như:

  • Vỡ màng ối (tần suất khoảng 2%)
  • Nhiễm trùng ối, màng ối
  • Rách cổ tử cung
  • Đẻ khó (tần suất dưới 5%)

Do đó, khi cần khâu eo tử cung thì mẹ bầu nên tìm tới các bệnh viện lớn có bác sĩ giỏi cùng đầy đủ máy móc trang thiết bị chuyên dụng cần thiết để đảm bảo an toàn và hạn chế rủi ro thì. Tuyệt đối không thực hiện tại các phòng khám ngoài.

Các phương pháp khâu eo tử cung hiện nay

Có 2 phương pháp khâu eo tử cung được áp dụng phổ biến hiện nay là khâu eo tử cung qua ngã âm đạo và khâu eo tử cung qua ngã bụng.

1/ Khâu eo tử cung qua ngã âm đạo

Đối với khâu eo tử cung qua ngã âm đạo, bác sĩ có thể dùng thủ thuật Mc Donald hoặc Shirodkar. Nghiên cứu cho thấy không có sự khác biệt đáng kể về kết quả giữa 2 phương pháp này. Tuy nhiên, thủ thuật Mc Donald thường được dùng hơn.

Để khâu eo tử cung qua ngã âm đạo bằng thủ thuật Mc Donald thì bác sĩ sẽ sử dụng một loại chỉ không tan để khâu. Dùng kim luồn các mũi khâu xung quanh cổ tử cung rồi siết sợi chỉ lại để đóng cổ tử cung.

Còn để khâu eo tử cung qua ngã âm đạo bằng thủ thuật Shirodkar thì bác sĩ cần rạch một đường nhỏ ở gần lỗ mở cổ tử cung tại nơi tiếp giáp nhu mô âm đạo. Sau đó dùng kim luồn ở vết rạch để khâu quanh cổ tử cung. Cuối cung là sử dụng mũi kim khác để khâu lại vết rạch.

2/ Khâu eo tử cung qua ngã bụng

Đối với phương pháp này thì bác sĩ cần rạch mở bụng rồi nâng tử cung lên để tiếp cận cổ tử cung tốt hơn. Sau đó dùng chỉ khâu luồn ngang cổ trong cổ tử cung và buộc cổ tử cung đóng lại. Cuối cùng là đặt tử cung trở lại vị trí và đóng vết mổ.

Ngoài 2 phương pháp trên thì mẹ bầu có thể sẽ được khâu eo tử cung bằng phẫu thuật nội soi.

Thời điểm có thể khâu eo tử cung

Thường thì khâu eo tử cung sẽ được thực hiện khi thai được 16 – 20 tuần tuổi. Trước khi thực hiện, mẹ bầu cần đảm bảo bản thân đã làm xét nghiệm tầm soát, siêu âm đánh giá dị tật thai nhi ở 3 tháng đầu. Đến tuần 37 – 38 thì thai phụ sẽ được cắt chỉ khâu để sẵn sàng cho kỳ sinh đẻ bình thường.

Hi vọng với những chia sẻ trên bạn đọc đã biết được khâu eo tử cung là gì, khâu eo tử cung cần kiêng gì. Nếu còn điều gì thắc mắc, bạn có thể hỏi thêm [tại đây] hoặc gọi tới đường dây nóng (024) 38255599 – 083.66.33.399 để được giải đáp miễn phí.

Cập nhật lần cuối: 17.04.2021

Nếu còn thắc mắc, bạn có thể liên hệ với bác sĩ chuyên khoa bằng cách:

Chuyên khoa I chuyên ngành Sản phụ khoa
Bác sĩ : Đinh Thị Quỳnh Huế Chuyên khoa I chuyên ngành Sản phụ khoa

– Với hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản phụ khoa, từng làm việc tại các bệnh viện của các tỉnh thành, bác sĩ đã tích lũy được nguồn kiến thức sâu sắc, luôn không ngừng học hỏi, trao đổi kiến thức, các đề tài nghiên cứu… Bác sĩ luôn được bệnh nhân tin tưởng, gửi trọn niềm tin yêu.

Những Thành Tích Đạt Được

– Bác sĩ Đinh Thị Quỳnh Huế nhận được rất nhiều giấy khen, bằng khen từ Ban lãnh đạo Tỉnh, thành phố nơi bác sĩ từng công tác.

– Luôn giữ vững tinh thần hướng đến chăm sóc sức khỏe cho người bệnh là nghĩa vụ của bản thân, bác sĩ Huế không ngừng phấn đấu vì sự nghiệp ngành y cao cả.

Xem thêm
Đăng ký khám trực tuyến